Xin trích đăng bài viết của Lê Cao được đăng tải trên DanLuat:
Khi Hội nghị trung ương 5 khép lại, chắc hẳn nhiều người dân sẽ quan tâm đến số phận của một quyền, đó là quyền sở hữu đất đai. Ngày hôm sau, khi báo Tuổi trẻ làm nguyên hai trang phát biểu kết luận Hội nghị lớn, được quan tâm, chờ đợi sẽ có những cách nhìn mới, đột phá lớn sau những sự cố Tiên Lãng, Văn Giang ..., tờ báo này đã giật tít “Khẩn trương sửa Luật đất đai”.
Thế nhưng, cũng như bài phát biểu dài cho thấy rằng, sau Hội nghị trung ương 5 vẫn là: “Đất đai ... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý...”.
Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai ngạc nhiên lắm mặc dù không ngạc nhiên thì cũng có quyền hoàn toàn thất vọng với khẳng định này. Cho đến nay, một khi chưa ai định nghĩa được cái khái niệm sở hữu của toàn dân là như thế nào thì anh Nguyễn Mơ Mộng, chị Trần Hão Huyền dù không có lấy một mét đất cắm dùi, cũng có thể hô to rằng: đất toàn lãnh thổ Việt Nam là của tao! Mặc dù chúng bay đứng tên nhà, biệt thự, hay cả đường cao tốc, cảng biển, sân bay, căn hộ chung cư, nhưng đang đứng trên đất của tao sở hữu, dù tao cù bơ cù bất đầu đường xó chợ vì bị thu hồi hết đất rồi ...
Khái niệm “sở hữu toàn dân” về đất đai này quả là một sáng kiến vĩ đại của lịch sử, ở chỗ nó cho phép người với người tước đi quyền sở hữu thực sự của nhau nhưng lại bảo rằng chưa tước bao giờ.
Nhà nước đại diện chủ sở hữu, có nghĩa mỗi người dân khi bầu đại biểu quốc hội là lúc đó họ đang làm thêm việc ký xác nhận việc ủy quyền toàn bộ quyền sở hữu đất đai cho những người đứng ra thay mình trước nghị trường (hơn nữa, các Đại Biểu Quốc Hội, Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân là người được cho là dân bầu, lại không thường là người quyết chuyện thu hồi đất đai).
Hình thức là thế, chứ quyền sở hữu đất đai tưởng có của người dân, đã bị tước ngay từ khi họ được sinh ra, bởi suốt cả đời người, họ được cho một cái quyền mà không bao giờ có cơ hội thực hiện.
Thế giới hiện đã vượt qua con số 7 tỉ người, Việt Nam đứng thứ 14, chiếm khoảng 1,29% số dân thế giới. Đất đai thì không đẻ ra thêm, mà còn ngày càng bị thu hẹp đi, bởi đủ thứ xây dựng, ô nhiễm, sự hủy hoại ... Nhu cầu sử dụng đất ngày càng lao vút, là một trong những lý do đẩy giá trị của từng thước đất lên rất cao. Mới đây, GSTS Vũ Quang Việt đã qua một bài viết về vụ Ecopark (có người dịch là Em Có Bác, từ Bác với người Việt mình rất quan trọng, trong đó có người đã hiện thực hóa một cách nôm na là tên gọi khác của tiền ...), đã chứng minh một cách tương đối và rất có căn cứ rằng, chỉ cần làm tốt công tác thu hồi đất của dân xong, bằng các động tác xây cất, Em Có Bác đã lãi đến hàng ngàn triệu ... USD!Vì sao Em Có Bác?Vì Em Có Đất!
&
Một khi, với quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện tại, cho thấy người được ủy quyền được làm tất cả những gì họ muốn (liên quan đến quyền sở hữu đất đai bao gồm: quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt), bất chấp ý kiến của người ủy quyền, thì sẽ vẫn còn đó những nghịch lý chúng ta phải hiểu.
Như, sáng nay, tại cơ quan tiếp dân của một thành phố đẹp, khi ông cụ mang theo giấy mời làm việc với chủ tịch thành phố được cô con gái đi cùng đưa đến, liền có hàng chục chú công an đến “ân cần” đón tiếp nồng hậu, dẫn giải vào đến tận ghế ngồi.
146,1 mét vuông đất mặt tiền ngã tư đường ngon thành phố, giá thị trường khoảng hơn hai mươi tỉ bạc, nhưng đến bù được hơn ba trăm triệu, để đi mua đất tái định cư chỗ khác với giá nhiều hơn số tiền “hơn ba trăm triệu” đó ... Nhiều khi, nhà nước bảo thu hồi đất để làm đường, giờ đường đã làm xong rồi, dân chưa chịu trả đất vì vô lý, nhưng mới lộ ra đất chẳng phải để làm đường mà để giao cho đại gia làm kinh doanh?!
Đại gia có đất làm những Em Có Bác, chính quyền địa phương thì có tiền xây mấy cái chung cư cho những bác công chức ở, hay để bồi dưỡng thêm tháng năm chai gọi là tiền chống hư người, các chú các bác công chức này vì thế làm hết sức mình, xả thân vì sự nghiệp bảo vệ những Em Có Bác.
Như chuyện phang nhà báo, chăm sóc kỹ càng người dân đến tiếp dân, hay là tung hô xu nịnh chính quyền, bợ đỡ doanh nghiệp ... Em Có Bác, thì em làm tất cả những gì có thể bằng hành vi, không phụ thuộc vào nhân phẩm, đạo đức, và pháp luật ...
&
Hôm ngồi với cu bạn làm tòa án, bên cạnh cu bạn là bác làm nghề mổ heo mà nó mới quen. Bác ấy kể, nhờ quan hệ tốt với mấy thằng ban giải tỏa đền bù, đất của cha mẹ bị thu hồi sáu năm trước, được bố trí tái định cư, thế là ôm ba chục chai tiền lời bán heo đi cúng bọn nó, được “bắt thăm” trúng ngay miếng hai mặt tiền, hai năm sau bán được vài chục tỉ.
Cứ rứa, cứ rứa, vừa mổ heo, vừa làm cò đất ăn nhậu với cò giải tỏa đền bù dự án, giờ đi đâu cũng bệ vệ, em út đầy người, còn bảo thừa tiền để có thể nuôi Ngọc Trinh.
Cu bạn làm tòa án, thấy ông bạn của nó như rứa, không biết vào lúc nào, trong đầu lại nghỉ đến chuyện xin nghỉ việc vì Em Có Bác, Em Có Đất hay không? Bởi lẽ, trong thế giới của đất, có những chuyện bình thường một cách bất thường như thế.
Lẽ dĩ nhiên, không phải chỗ nào các đại gia và các cụ cũng mò vào để cắm dự án trên đất của dân. Có thuê cả trăm chuyên gia phân lô bán nền, dù là từ Đà Nẵng về làm cố vấn, thì có đời mục thất những miền đất không tiện về vị trí, không thông về giao thương cũng chẳng thể nào mời được các cụ lao vào, đổ tiền cho chính quyền xua dân lấy đất.
Những vùng màu mở có sẵn nhờ lịch sử, địa lý; cũng có những vùng màu mở do ở trên làm quy hoạch, từ đất ruộng hô biến thành đô thị vệ tinh, đô thị chiến lược; tất cả tạo nên những cuộc di dân âm thầm lặng lẽ và đầy nỗi đau.
Những ai biết câu chuyện bên trong chuyện sáng hôm nay ở trụ sở tiếp dân của một chính quyền thành phố, sẽ đau, bởi chuyện thu hồi đất liên quan đến con người đã phải nằm xuống ...
Quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam được quy định một cách kỳ lạ và duy nhất, không đâu có thể có. Một cái quyền trong ý nghĩ, chứ hoàn toàn không có thật (Karl Heinrich Marx thì vẫn tin rằng, phải có thật rồi mới có ý nghĩ), và đó là cái quyền đáng để bàn lại, thay đổi chứ không phải, cần nghĩ mưu, tính kế thu hồi đất của dân sao cho tinh vi, tránh chuyện ồn ào.
Lê Cao
Nguồn: Em Có Bác, vì Em Có Đất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét