Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Nghị quyết 13/NQ-CP khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực vượt khó theo nghị quyết 13/NQ-CP, dưới đây xin trích đăng bài viết của Đào Ngọc của báo điện tử chinhphu.vn

Nghị quyết 13/NQ - CP khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

(Chinhphu.vn) - Đứng trước những khó khăn của sản xuất kinh doanh và thị trường, ngày 10/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 cần thiết, phù hợp và kịp thời.
Sở dĩ nói như vậy là vì, các giải pháp Nghị quyết nêu cùng với những giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tránh nguy cơ suy giảm tăng trưởng, thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý của kế hoạch năm 2012, do vậy nó là “cần thiết”.
Nghị quyết là “phù hợp” vì nguồn lực của ngân sách Nhà nước vẫn còn bội chi, thu nội địa còn đạt thấp so với dự toán cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội, còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại vừa trải qua khó khăn và đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu.
Còn nói Nghị quyết “kịp thời” chính là vì những vấn đề "nóng" nhất của nền kinh tế nước ta như lạm phát, nhập siêu … mới bước đầu được “hạ nhiệt”, nên bây giờ mới có điều kiện đủ để bắt đầu lo cho tăng trưởng hợp lý theo mục tiêu đã đề ra.
Không ít doanh nghiệp, chuyên gia đã có đề xuất khác nhau đối với Chính phủ, như cần phải có gói giải cứu, hay gói kích thích kinh tế, hay gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Chính phủ đã lựa chọn và ra Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Như vậy, đây chỉ là một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho đúng với nội dung Nghị quyết 13, chứ khôg phải là gói giải cứu, hay gói kích thích kinh tế, hay gói kích cầu. Cũng giống như một cơ thể có rất nhiều huyệt đạo ở các vị trí và tác động khác nhau. Khi cơ thể vốn đã có những điểm yếu và cộng hưởng với những khó khăn ở bên ngoài tác động vào (buộc chúng ta phải cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế) làm cho các điểm yếu bộc lộ ra, khó khăn tăng lên, nên không thể bấm tất cả các huyệt, càng không thể bấm nhầm huyệt. Vì vậy, các giải pháp trong Nghị quyết 13 là đúng đắn cả về phạm vi, quy mô, đối tượng,…
Về phạm vi và đối tượng, việc tháo gỡ khó khăn không chỉ bao gồm các doanh nghiệp, mà còn cả làng nghề, hộ cá thể, không chỉ là sản xuất kinh doanh, mà cả người tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ thị trường. Việc tháo gỡ khó khăn không chỉ ở đầu vào, mà cả ở đầu ra,… Việc hỗ trợ không có tính tràn lan, mà đòi hỏi phải đúng đối tượng, tuỳ theo từng giải pháp. Chẳng hạn, việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, chỉ áp dụng đối với 2 nhóm doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa (nhưng không bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và và vừa kinh doanh trong một số lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty); là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội.  
Các giải pháp đề ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên nhiều mặt, từ việc gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản, hộ sản xuất muối; giảm 50% tiền thuế đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính; báo cáo Quốc hội quyết định  giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012, miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh trong một số lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn (hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với một số ngành, lĩnh vực; cơ cấu lại nợ; tái cơ cấu ngân hàng thương mại); đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ các nguồn; huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông,...
Các biện pháp trên có tính đồng bộ, tác động đến cả đầu vào, đầu ra, có sự phối hợp giữa chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và đầu tư, có sự phối hợp giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương.
Quy mô của gói hỗ trợ về vật chất là không lớn, nhưng về mặt tinh thần là sự chia sẻ, phối hợp với nỗ lực của người sản xuất kinh doanh và có tác động giúp cho sản xuất kinh doanh và thị trường vượt qua được thời điểm khó khăn này.
Đào Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét