Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Phạt, phạt nữa, phạt mãi ... để làm gì, thưa Chính phủ?

Phạt, phạt nữa, phạt mãi ... để làm gì, thưa Chính phủ?
Mấy ngày nay người dân "ồn ào" thậm chí bức xúc với quy định tăng mức xử phạt tiền đối với người vi phạm quy định về đăng ký quyền sở hữu đối với phương tiện giao thông cá nhân theo quy định tại Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP.
Theo đó, theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với trường hợp không chuyển quyền sở hữu phương tiện xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng; đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô là từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Theo khoản 2 Điều 439 Bộ luật Dân sự thì “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”. Đồng thời, theo 36/2010/TT-BCA thì “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc nhận xe phải đến cơ quan đăng ký xe đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.”
Như vậy, quy định phải đăng ký xe là cần thiết, pháp luật cần quy định việc đăng ký để xác lập quyền sở hữu, đảm bảo quản lý các phương tiện giao thông, có cơ sở để xác định chủ sở hữu của phương tiện tham gia giao thông trong các trường hợp rủi ro, gây tai nạn ... để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan ...
Tuy nhiên, sự phản ứng mạnh mẽ của người dân đối với số tiền phạt được đẩy lên rất cao đối với việc vi phạm vấn đề đăng ký quyền sở hữu xe là có cơ sở, bởi lẽ quy định xử phạt này từ Nghị định 34/2010/NĐ-CP đến nay là Nghị định số 71/2012/NĐ-CP nâng số tiền phạt lên thì đều chỉ là việc cố gắng đuổi theo một nếp sống, một thực tiễn đang diễn ra trong xã hội nhưng khó lòng theo kịp.
Từ câu chuyện nâng số tiền phạt lên hòng siết chặt công tác quản lý việc đăng ký xe nói riêng trong vấn đề quản lý giao thông sẽ đặt ra những giả thiết của người dân về sự không khả thi của pháp luật. Như việc, cho dù đã có sự chuyển nhượng, tặng cho ... tài sản là các phương tiện nói trên thì khi kiểm tra, xử lý người dân có thể lách luật để chứng minh rằng mình mượn xe của người thân, bạn bè đi thì xử lý thế nào?
Còn nếu cứ gọi lại người đi đường để kiểm tra xem có chính chủ hay không để tìm cách xử phạt, thu tiền thì chắc chắn sẽ dẫn đến một vướng mắc liên quan đến thời gian, sự phiền phức cho người dân và cho cả những người thi hành nhiệm vụ tìm người để phạt. Những mâu thuẫn đó dấy lên sự không an tâm của người dân về khả năng áp dụng vào thực tế của các quy định xử lý hành chính đối với sai phạm.
Tất nhiên, người dân cũng cần hiểu là Chính phủ ban hành các quy định nói trên để xử lý các trường hợp đã chuyển nhượng phương tiện mà không đăng ký quyền sở hữu theo quy định, chứ không thể nào được phép phạt người dân sử dụng xe không thuộc quyền sở hữu của mình.
Mọi hành vi lạm dụng quy định để bắt xe, kiểm tra sự chính chủ hay không của người điều khiển phương tiện giao thông sẽ là hoạt động cản trở giao thông ngược trở lại từ phía chính quyền. Lạm dụng chuyện chính chủ hay không chính chủ của người điều khiển phương tiện là cách sớm nhất và hiệu quả nhất để cấm cản khả năng ra khỏi nhà, hòa vào dòng chảy không ngừng nghỉ của người dân trong một xã hội mà phương tiện giao thông cá nhân là chủ yếu và phổ biến.
Ngoài ra, Nghị định71/2012/NĐ-CP được ban hành chỉ cho thấy những điểm mới chủ đạo chỉ là ở mức tiền phạt tiền được tăng lên gấp nhiều lần so với mức phạt cũ. Đánh vào túi tiền của người dân, từ chuyện thu phí vận hành đến chuyện xử lý hành chính các trường hợp vi phạm đang cho thấy khả năng Chính phủ đang đổ lên đầu người dân trách nhiệm cho mọi sự rối rắm của câu chuyện giao thông hiện nay.
Dòng chảy tiền từ túi dân sẽ cuồn cuộn hơn chảy vào ngân sách Chính phủ nếu mức phạt được tăng lên, thế nhưng số tiền này lại được đầu tư thiếu hiệu quả, bị cắt xén bởi hiện trạng tham nhũng nhiều, bị uổng phí bởi việc quy hoạch ngớ ngẩn và hiện trạng giao thông tồi tệ của nước nhà càng tồi tệ hơn ... Đó đâu phải là giải pháp!
Cho nên, người dân lại lãnh đủ. Từ chuyện phải bỏ thêm nhiều tiền, đến chuyện phải chịu đựng một hiện trạng giao thông tắc nghẽn ô nhiễm và không an toàn. Phạt, phạt nữa, phạt mãi, phạt nhiều, để làm gì, thưa Chính phủ?
Lê Cao

Nguồn: Phạt, phạt nữa, phạt mãi ... để làm gì, thưa Chính phủ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét