Trong những ngày gần đây, dư luận cũng đang có sự quan tâm rất nhiều đến các chính sách mới được quy định trong Bộ luật Lao động 2012 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2013, trong đó “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” lần đầu tiên được đưa ra đề làm điều kiện cho người lao động chấm dứt hợp đồng làm việc. Vậy theo luật sư, dưới phương diện của người áp dụng pháp luật có thể hiểu quy định này như thế nào?
Quấy rối tình dục nơi làm việc như hành vi cố tình chạm vào “chỗ nhạy cảm” của đồng nghiệp, buông lời khiếm nhã - Quấy rối tình dục không chỉ là nhưng hành động sờ mó mà đó còn là những lời nói thiếu nghiêm túc mà nhiều phụ nữ làm việc tại các công sở, nơi làm việc vẫn phải chịu những câu hỏi về tuổi tác, những lời bình luận sàm sỡ hay lời nói thô thiển về tình dục.
Quấy rối tình dục nơi làm việc không chỉ riêng nhân viên, người lao động nữ mà các nam nhân viên cũng bị quấy rối ở những mức độ khác nhau và đặc biệt trước xã hội đang có những thay đổi về tư duy nhận thức về giới tính thì nhân viên nam hay nữ ít nhiều đều bị tác động.
Quấy rối tình dục nơi làm việc làm xấu đi các quan hệ lao động, tác động đến tinh thần của nhân viên, người lao động dẫn đến giảm năng suất lao động.
1. Xử lý hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc và nơi công cộng
Tùy vào tính chất mức độ của các hành vi quấy rối là cơ sở để xử lý. Pháp luật quy định như sau:
- Vấn đề xử lý vi phạm hành chính: Người quấy rối thực hiện những hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì theo Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số73/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 07 năm 2010 “Hành vi vi phạm trật tự công cộng: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”
Thông thường nạn nhân bị quấy rối tình dục không khiếu nại vì họ cảm thấy xấu hổ vì điều đó nên không dám tố giác những hành vi vi phạm.
- Về mặt hình sự: Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, đây là tội làm nhục người khác là việc hạ thấp danh dự, nhân phẩm của một người trước một người khác.
Tuy nhiên, về hành vi của việc quấy rối tình dục không đủ yếu tố để cấu hành tội làm nhục người khác.
Vấn đề xử lý hành vi quấy rối tình dục phụ thuộc rất nhiều vào việc cá nhận bị quấy rối phải tố giác hành vi và phải có những bằng chứng, chứng minh sự xâm phạm của người có hành vi quấy rối. Nhưng với quan điểm của người Á đông, sự mặc cảm về việc bàn tán hay lo sợ mất việc cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khó khăn trong việc xử lý và hạn chế.
2. Điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc
Trước những hạn chế của việc xử lý hành vi Quấy rối tình dục nơi công sở thì Bộ luật Lao động 2012 thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực ngày 01/5/2013 là cơ sở để người lao động và các tổ chức Công đoàn có một cơ chế an toàn để có thể khiếu nại, đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để người lao động được bảo vệ.
Theo quy định Điều 8 Bộ luật Lao động về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Luật mới cũng quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (Điểm c Khoản 1, Điều 37 BLLĐ) “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động”
Ngay cả trong việc thuê, mướn người giúp việc, Bộ luật Lao động mới cũng quy định khá nghiêm trong vấn đề này, việc “thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về những khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân” (Khoản 4 Điều 182, BLLĐ) – Đây là nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình. Đồng thời quy định Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động đối với lao động là người giúp việc trong gia đình, cấm “ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình” (Khoản 1 Điều 183, BLLĐ).
Với những điểm mới này là bước khởi đầu cho việc hạn chế sự xâm phạm. Tuy nhiên, BLLĐ mới chưa đưa ra được sự giải thích cụ thể về khái niệm “quấy rối tình dục” để có thể hình dung cụ thể về hành vi nào, lời nói ra sao, điệu bộ, cử chỉ như thế nào mới được xem là “quấy rối tình dục”. Mặc khác, trong BLLĐ cũng chỉ mới nêu những hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của người lao động nhưng chưa có những chế tài cụ thể, trách nhiệm bồi thường ra sao.
Vì vậy, để áp dụng được BLLĐ liên quan đến vấn đề “quấy rối tình dục”, cơ quan nhà nước cần có những quy định rõ ràng và cụ thể hơn, có những mức phạt đối với hành vi tương thích. Đồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo lực lượng lao động và người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét