Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Khởi tố ông Trần Xuân Giá - cựu chủ tịch HĐQT ACB, Eximbank

Khởi tố ông Trần Xuân Giá - cựu chủ tịch HĐQT ACB, Eximbank

Thông tin chính thức từ Bộ Công An ngày 27/9 cho biết cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Trần Xuân Giá cùng với 3 cựu chủ tịch vừa bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế. 4 bị can Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang được cho là đồng phạm với ông bầu Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải.

Những việc làm của các thành viên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và thông tư số:02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính Phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,908 tỷ đồng.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và xác định của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số:350/NHNN-TTGSNH ngày 17/5/2012 đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Sau khi thống nhất với VKSND Tối cao, ngày 20/8/2012, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 BLHS.

Ông Trần Xuân Giá sinh năm 1939 tại Thừa Thiên-Huế, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, có bằng tiến sĩ kinh tế tại Liên Xô cũ. Từ 1966, là giảng viên tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Từ 1981, ông làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước (hàm thứ trưởng); từ 1989, làm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ); từ 1992, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT); từ 1996, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
Từ năm 2003, ông Giá làm Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về đổi mới chính sách kinh tế - xã hội và hành chính. Sau khi nghỉ hưu, từ tháng 11.2006, ông làm cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB, đến tháng 3.2008, làm Chủ tịch HĐQT.
Tới ngày 19.9.2012, ông Trần Xuân Giá cùng hai Phó chủ tịch là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang đã từ nhiệm tại ACB đều với lý do cá nhân. (Thái Sơn).
Tập hợp từ VNN, VNE, TNO

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Nghị định 71/2012 quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ

Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/09/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. 

Nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ: chở quá số người cho phép bị phạ từ 300.000 - 500.000; điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định phạt tới 15 triệu đồng; phạt nặng hành vi chạy xe quá tốc độ từ 600.000 đến 3 triệu đồng.
Download - tải nghị định 71/2012 của chính phủ tại đây: Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Thông tư 12/2012 trợ cấp tháng ngành Công an

Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BCA-BTC hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối tượng áp dụng là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại Điều 4 Thông tư Liên tịch số 05/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 8/11/2010 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 14/5/2012 hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên chức Công an nhân dân theo Quyết định số62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Về mức điều chỉnh trợ cấp hàng tháng, kể từ ngày 1/5/2012, đối tượng quy định trên được điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hàng tháng theo công thức sau:

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/5/2012
=
 Mức hưởng trợ cấp tháng 4/2012
x
1,265

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/10/2012
Thanh Trúc (chinhphu.vn)
Download - tải TTLT 12/2012 trực tiếp tại:

Thông tư 12/2012/TTLT-BCA-BTC trợ cấp tháng ngành Công an

Thông tư 99/2012/TTLT tăng 26,5% trợ cấp tháng cho quân nhân

Theo Thông tư liên tịch số 99/2012/TTLT-BQP-BTC do liên bộ Tài chính - Quốc phòng ban hành, sẽ tăng thêm 26,5% mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân thuộc đối tượng quy định, thời điểm được hưởng mức điều chỉnh mới này được tính từ 1/5/2012.
Đối tượng áp dụng là quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg (quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng), và quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
Từ ngày 1/5/2012, tăng thêm 26,5% mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng trên. Công thức điều chỉnh như sau:
Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 1/5/2012
=
Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 4/2012
x
1,265
Mức điều chỉnh cụ thể như sau:
 Số năm công tác
Mức trợ cấp (đồng/tháng)
Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm
1.170.000
Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm
1.229.000
Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm
1.287.000
Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm
1.346.000
Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm
1.404.000
Thùy Trang(chinhphu.vn)
Download toàn văn TTLT 99/2012 tại đây: Thông tư 99/2012/TTLT-BQP-BTC tăng 26,5% trợ cấp tháng cho quân nhân

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Ông bầu Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố

Bầu Kiên bị bắt vì tội kinh doanh trái phép, nay bị can Nguyễn Đức Kiên vừa bị cơ quan điều tra khởi tố thêm 2 tội danh khác là "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngày 18/9, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, lãnh đạo 3 ngành Tư pháp Trung ương đã họp nghe Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an báo cáo tiến độ, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và những người có liên quan.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Điều 139 viết:
 
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

Điều 165 viết:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bị bắt bởi một tội và bị khởi tố bởi những tội khác, điều này thấy rất phổ biến trong thời gian qua.

Ông bầu Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố