Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Tòa xử công khai nhưng... kín!

Tòa xử công khai nhưng... kín!

Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hành chính đều có điều khoản quy định các phiên tòa được xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Thế nhưng thực tế có những phiên tòa đóng kín cửa không lý do.

Tại sao cổng tòa còn đóng cửa với dân trong một phiên xử công khai? Liệu có vi phạm pháp luật Việt Nam?

Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Ngô Ngọc Trai, Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự.
Hình ảnh thường thấy hằng ngày ở cổng TAND TP Hà Nội: người dân chờ đợi, năn nỉ bảo vệ cho vào tòa - Ảnh: Tâm Lụa
Hình ảnh thường thấy hằng ngày ở cổng TAND TP Hà Nội: người dân chờ đợi, năn nỉ bảo vệ cho vào tòa - Ảnh: Tâm Lụa
Kính gửi anh chị em dân luật,
Liên quan đến tình trạng người dân bị ngăn trở vào tham dự các phiên tòa công khai, là một luật sư thấu nhận nhiều nỗi gian truân cơ cực của người thân bị cáo muốn vào nhìn mặt con em mình mà không được, tôi tiếp tục có ý kiến như sau, xin được chia sẻ cùng mọi người và hãy cùng quan tâm.
Ngày 11/1/2013 tôi có tham dự phiên tòa xét xử tại TAND tối cao 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Lực lượng bảo vệ tại cổng tòa án đã ngăn cản không cho người thân của bị cáo vào tham dự phiên tòa công khai, tôi đã rất vất vả đấu tranh họ mới để cho vào. Như vậy là sai phạm đã diễn ra ngay tại trụ sở TAND tối cao.
Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 18 quy định: Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Căn cứ điều luật trên mọi người dân đều được quyền tham dự phiên tòa. Một người đi đường tránh mưa cũng có quyền tạt vào xem tòa hôm nay xử gì. Những hành vi ngăn cản người dân vào hội trường lắng nghe tòa xử án đều vi phạm pháp luật.
Cũng theo Điều 18, tòa án chỉ tiến hành xử kín trong một số trường hợp cá biệt, việc xử kín được nêu tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử và quyết định được gửi cho bị cáo và luật sư bào chữa để biết tham dự.
Hầu hết các vụ án đều là xét xử công khai nên người dân đều được quyền qua cổng tòa án vào hội trường xét xử. Lực lượng bảo vệ không được nêu lý do tòa xử kín không cho vào vì chính họ cũng không được biết vụ án nào xử kín (vì họ không phải là người được giao quyết định đưa vụ án ra xét xử). Trường hợp tòa xử kín, chủ tọa phiên tòa sẽ thông báo và mời những người không được tham dự ra ngoài.
Xem xét kỹ vấn đề tại sao cổng tòa còn đóng cửa với dân thì thấy rằng:
Hiến pháp năm 1992 Điều 8 quy định: Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.
Luật tổ chức tòa án nhân dân Điều 38 quy định: Thẩm phán, Hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự  giám sát của nhân dân.
Việc người dân tham dự phiên tòa chính là giám sát cán bộ tòa án tuân thủ, thực thi pháp luật. Đây cũng là một phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sinh động quan trọng. Phải chăng vì sợ bị giám sát nên ngăn trở dân?
Lực lượng công an tư pháp và cán bộ tòa án viện cớ này nọ ngáng trở người dân vào hội trường tham dự phiên tòa là vi phạm pháp luật. Phải để nhân dân vào tòa để nhân dân đấu tranh chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu tòa là chánh án
Luật tổ chức tòa án nhân dân quy định trách nhiệm tổ chức công tác xét xử thuộc về Chánh án tòa án, nhưng hiện nay không có chế tài xử lý Chánh án khi để xảy ra tình trạng người dân bị ngăn cản vào tham dự phiên tòa.
Tuy nhiên vẫn có hình thức xử lý gián tiếp như sau: Khi tòa án để xảy ra tình trạng người dân bị cấm cản tham dự phiên tòa, chánh án tòa án đã không làm tròn trách nhiệm tổ chức công tác xét xử, do vậy không xứng đáng để tiếp tục được làm chánh án hoặc bổ nhiệm lại làm chánh án. Nếu sai phạm xảy ra tại TAND các địa phương, người dân cần gửi đơn phản ánh tới Chánh án TAND tối cao là người có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án TAND các địa phương.
Đối với sai phạm diễn ra tại TAND tối cao thì cần gửi đơn phản ánh tới Quốc Hội (là cơ quan có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Chánh án TAND tối cao) và Chủ tịch nước (là cơ quan có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND tối cao)
Hy vọng tương lai sẽ có những chuyển biến
Do nhận thức được sự lạc hậu của Việt Nam trong mảng vấn đề tư pháp xét xử nên năm 2011 Bộ chính trị đã ban hành quyết định 39-QĐ/TW thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, trọng tâm trong đó là công tác xét xử.
Theo tôi, Ban chỉ đạo cần lắng nghe hơn nữa tiếng nói phản ánh của giới luật sư về vấn đề cải cách tư pháp. Luật sư là người hàng ngày vận dụng các quy định pháp luật và thấy được sự bất cập của các quy định. Luật sư thường xuyên lắng nghe giải quyết các vấn đề của khách hàng nên thấy được những nhu cầu bức xúc của nhân dân. Những vấn đề của luật sư phản ánh là rất có cơ sở chính xác, đáng được lắng nghe quan tâm. 
Chúng ta hiểu rằng nền tư pháp của nước ta còn rất nhiều khiếm khuyết, nhưng mọi thứ không tự dưng tốt lên được nếu mọi người không chung vai góp sức dựng xây.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự
Luật sư Trai trực tiếp đăng tại DanLuat: http://danluat.thuvienphapluat.vn/nguoi-than-bi-cao-muon-vao-toa-nhin-mat-con-em-minh-ma-khong-duoc-85240.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét