Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

1477/BHXH-CSXH: hướng dẫn chế độ thai sản theo quy định của BLLĐ 2012

BHXH Việt Nam vừa ban hành văn bản số 1477/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 số 10/2012/QH13
Theo đó, chế độ thai sản đối với lao động nữ như sau:
3. Thời gian nghỉ sinh con
Lao động nữ có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, khi sinh con thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo  quy định tại điều 157 Bộ luật lao động. Một số trường hợp được hướng dẫn cụ thể như sau
3.1. Thời gian nghỉ sinh con từ ngày 1/5/2013
a. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 60 ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày tính từ ngày sinh con; con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 30 ngày tính từ ngày con chết, nhưng không được vượt quá thời gian nghỉ sinh con quy định tại Điểm 1, Điều 157 Bộ luật Lao động.
b. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; cả cha và mẹ hoặc chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha nghỉ việc chăm sóc con được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổỉ.
c. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết lưu thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 6 tháng (không tính thêm thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với thai chết lưu); nếu tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được hưởng theo quy định tại Điều 30 Luật BHXH như đối với người có 1 thai chết lưu.
d. Trong khoảng thời gian 60 ngày tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian hưởng chế độ khi sinh con là 6 tháng và thời gian nghỉ thêm đối với trường hợp sinh đôi trở lên, mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 17 Nghị định số152/2006/NĐ-CP.
e. Lao động nữ có nguyện vọng nghỉ việc trước khi sinh con phải báo trước với chủ sử dụng lao động, chủ sử dụng lao động theo dõi để thực hiện chế độ trợ cấp thai sản khi người lao động sinh con theo quy định (căn cứ xác định thời điểm người lao động nghỉ việc trước khi sinh con theo danh sách tham gia BHXH, BHYT (Mẫu D02-TS) của chủ sử dụng lao động ban hành kèm theo Quyết định số1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cột lý do ghi rõ nghỉ việc trước khi sinh con kể từ ngày ... tháng ... năm ... ).
3.2. Thời gian nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện như nêu tại khoản 1, Điều 157 Bộ luật Lao động.
Ví dụ 1: Chị A nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 2/1/2013, ngày 5/1/2013 chị A sinh 1 con, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày 2/1/2013 đến hết ngày 1/5/2013 (4 tháng). Đến ngày 1/5/2013, chị A vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên chị A được tiếp tục nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến hết ngày 1/7/2013 (tổng cộng thời gian hưởng chế độ thai sản là 6 tháng).
Ví dụ 2: Chị B nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 1/1/2013, ngày 5/1/2013 chị B sinh 1 con, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 30/4/2013 (4 tháng). Từ ngày 1/5/2013, chị B hết thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên chị B không thuộc đối tượng được thực hiện thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.
Ví dụ 3: Chị C nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 15/12/2012, ngày 20/12/2012 chị C sinh đôi, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản của chị C được tính từ ngày 15/12/2012 đến hết ngày 14/5/2013 (04 tháng và 30 ngày). Như vậy, đến ngày 1/5/2013, chị C vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên chị C được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến hết ngày 14/7/2013 (tổng cộng thời gian hưởng chế độ thai sản là 7 tháng).
3.3. Thời gian tính hưởng
a. Thời gian tính hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con được tính kể từ ngày lao động nữ thực tế nghỉ việc để sinh con theo quy định của Bộ luật Lao động. Trường hợp nghỉ việc trước khi sinh con hơn 2 tháng thì được tính từ thời điểm đủ 2 tháng trước khi sinh con. Trường hợp sinh con sau khi lao động nữ đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động thì thời gian tính hưởng kể từ ngày sinh con.
Ví dụ 4: Chị D nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 1/5/2013, ngày 15/7/2013 chị D sinh 1 con, theo quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 thì thời gian hưởng chế độ thai sản của chị D được tính từ ngày 16/5/2013 đến hết ngày 15/11/2013 (6 tháng).
b. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
c. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
4. Mức hưởng, cách tính
4.1. Mức hưởng
Trong thời gian nghỉ thai sản nêu trên, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 35 Luật BHXH.
4.2. Cách tính
Cách tính trợ cấp thai sản, thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH hiện hành.
Đối với trường hợp người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thai sản có điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì thời gian hưởng thuộc quy định mức lương tối thiểu chung nào sẽ tính theo mức lương tối thiểu chung ấy, nếu có ngày lẻ thì tính theo hướng dẫn tại Điểm 5 Công văn số54/BHXH-CSXH ngày 9/1/2009 của BHXH Việt Nam, nếu số ngày lẻ từ 27 ngày trở lên thì mức hưởng trợ cấp thai sản không vượt quá mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc tính theo mức lương tối thiểu chung đó.
Xem thêm hoặc Download văn bản hướng dẫn chế độ thai sản 2013 theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 tại :
1477/BHXH-CSXH: hướng dẫn chế độ thai sản theo quy định của BLLĐ 2012

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Gia hạn nộp thuế năm 2013 theo CV 1486

Gia hạn nộp thuế năm 2013

-Căn cứ Điều 1, Điều 5 Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/02/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu quy định:
“1. Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho các đối tượng sau:
a) Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, bao gồm cả chi nhánh, đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập, hợp tác xã (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian năm và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) (sau đây gọi chung là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ).
b) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội (sau đây gọi chung là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động).
c) Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở.
2. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ được gia hạn nộp thuế quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về lao động và doanh thu, được xác định như sau:
a) Cách xác định tiêu chí về lao động:
Số lao động bình quân năm (không bao gồm số lao động làm việc toàn bộ thời gian của chi nhánh, đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập) làm căn cứ xác định doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tổng số lao động mà doanh nghiệp sử dụng thường xuyên bình quân trong năm 2012 dưới 200 lao động, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng.
Số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính số lao động sử dụng thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
...
b) Cách xác định tiêu chí về doanh thu:
Doanh nghiệp có doanh thu tính thuế TNDN năm 2012 không quá 20 tỷ đồng được xác định căn cứ vào chỉ tiêu "doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ” mã số [01] trên Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm 2012 (kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN của năm 2012) – Mẫu số 03-1A/TNDN (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính).
...”
“Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 (không bao gồm thuế GTGT ở khâu nhập khẩu) đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuộc các đối tượng sau đây:
...”
Trường hợp Công ty theo trình bày hoạt động ngành thương mại dịch vụ hàng hải đáp ứng tiêu chí có số lao động sử dụng bình quân năm 2012 không quá 200 người, có doanh thu năm 2012 không quá 20 tỷ đồng thì Công ty là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ theo Thông tư 16/2013/TT-BTC. Công ty được gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp theo phương pháp khấu trừ của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 (không bao gồm thuế GTGT ở khâu nhập khẩu); gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III năm 2013 theo quy định trên.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Lỗ hổng luật pháp

Lỗ hổng luật pháp

Luật sư Ngô Ngọc Trai
Trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng đã xảy ra bất đồng giữa một cấp chính quyền và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
Thủ tướng chính phủ nhất trí với Kết luận thanh tra cho rằng chính quyền Đà Nẵng vi phạm luật đất đai và nghị định chính phủ, yêu cầu Đà Nẵng nhận sai và khắc phục hậu quả. Phía Đà Nẵng ngược lại phản hồi là không sai, khi không được chính phủ cho tiếp tục giải trình thì có ý kiến báo cáo sự việc lên Bộ chính trị.
Đây là sự việc đặc biệt hiếm có bởi hệ thống chính quyền lâu nay vẫn bị xem là chuyên có chế tài thẳng thừng đối với tất cả những sự bất đồng kể cả bên ngoài hay bên trong hệ thống.
Vụ việc có thể chỉ phát sinh tình cờ do biến đổi tương quan giữa các lực lượng chính trị, tuy nhiên bộc lộ đằng sau thiếu vắng về một cơ chế tài phán pháp lý giải quyết tranh chấp giữa các cơ quan cấp cao, điều có thể còn phát sinh trong tương lai.

Yếu tố pháp lý trong bất đồng

Chính quyền được tổ chức theo luật, ví dụ Luật tổ chức chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức tòa án... Mối quan hệ lãnh đạo điều hành giữa các cấp chính quyền cần đảm bảo tuân theo luật.
Luật tổ chức chính phủ quy định Thủ tướng có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hay bãi bỏ những quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Trong vụ việc tại Tiên Lãng - Hải Phòng nội dung trên của luật được thực thi toàn diện, chính quyền Hải Phòng đã hoàn toàn chấp nhận khi Chính phủ đánh giá ngược lại toàn bộ vấn đề mà Hải Phòng đã giải quyết trước đó.
Tại sao Đà Nẵng phản ứng khác với Hải Phòng?
Ở góc độ luật pháp, quan điểm của chính quyền Đà Nẵng cũng có cơ sở pháp lý, bất đồng theo đó phát sinh từ một sự thật hay bị quên lãng là luật pháp cũng chỉ là sản phẩm của con người nên có những giới hạn và khiếm khuyết nhất định.
Luật pháp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nhưng với sự vận động không ngừng của đời sống với vô vàn sự vụ phong phú phát sinh liên tục, nên trong một số trường hợp đã xảy ra tình trạng thiếu luật hoặc quy định luật lạc hậu trước đời sống.
Đặc biệt có trường hợp tồn tại những cách hiểu và áp dụng khác nhau về cùng quy định pháp luật, như Chính phủ và chính quyền Hải Phòng đã hiểu và áp dụng hoàn toàn ngược nhau về cùng một chính sách pháp luật, khi đó phát sinh nhu cầu về một cơ chế diễn giải luật pháp để xác quyết xem cách hiểu và áp dụng nào là đúng.
Sự việc tại Đà Nẵng có nguyên nhân từ mọi khiếm khuyết của luật pháp. Đầu tiên, cả Đà Nẵng và Chính phủ đều cho mình là đúng và vốn dĩ cũng chỉ có ngần ấy quy định pháp luật, tức là tồn tại những cách hiểu khác nhau về sự cho phép của quy định luật.
Tiếp đến xem ra những quy định bó buộc thanh tra chính phủ viện dẫn đã tụt hậu và không tiến bộ kịp với thực tiễn Đà Nẵng nơi chính quyền vốn năng động của một đô thị phát triển.
Cuối cùng khi tranh chấp xảy ra lại thiếu một cơ chế tài phán phân định đúng sai, trong khi nếu cứ buộc cấp dưới phải phục tùng cấp trên thì không có cơ sở khoa học vì đâu phải cấp trên lúc nào cũng đúng.
Hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình xây dựng nên không tránh khỏi khiếm khuyết, lâu nay chúng ít được nhận ra do ít có điều kiện được bộc lộ.
Song trùng với luật pháp hệ thống chính quyền được tổ chức còn nhiều chỗ chưa khoa học, bù đắp vào những chỗ khiếm khuyết quan hệ giữa các cấp chính quyền thường được giải quyết theo đường lối chính trị thay vì theo luật pháp.
Khi phương thức chính trị tỏ ra không bảo đảm có thể giải quyết do chênh lệch giữa các lực lượng thì điều cần thiết là quay lại tìm kiếm cơ chế bảo vệ bởi luật pháp, thứ vẫn được xem là xuất phát từ nhân dân chủ thể của quyền lực đất nước.

Lỗ hổng của luật

Trong vụ việc tại Đà Nẵng, khi không được chính phủ cho tiếp tục giải trình, Đà Nẵng có ý kiến sẽ báo cáo sự việc lên Bộ chính trị, vì các cấp không chịu nhau nên cần có một cơ quan thứ ba giải quyết tranh chấp chứ không thể đụng binh đao.
Về mặt nguyên tắc việc phân định ai đúng ai sai chủ thể thứ ba chỉ có thể là tòa án hoặc trọng tài, việc báo cáo lên Bộ chính trị phải chăng là để tìm kiếm một cơ chế trọng tài khi không có cơ chế giải quyết bằng tòa án hiện nay?
Do các bên không viện dẫn tới quy định của Hiến pháp để cáo buộc bên kia nên không đặt ra nhu cầu về tòa án hiến pháp trong trường hợp này. Đúng nhất thì sự vụ cần được giải quyết theo đường hướng khiếu nại tố cáo hoặc khởi kiện hành chính.
Rà soát hệ thống pháp luật hiện tại thì thấy Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính đều không quy định cơ chế giải quyết trong trường hợp người bị khiếu nại tố cáo hay bị khởi kiện là Thủ tướng, như vậy nếu Đà Nẵng muốn chứng minh là Thủ tướng sai thì không có cơ chế để giải quyết.
Luật chỉ quy định cơ chế khiếu nại, tố cáo, khởi kiện từ Bộ trưởng trở xuống, đồng nghĩa với luật định Thủ tướng không thể bị khiếu nại tố cáo hay khởi kiện.
Đây là điều vô lý và không đảm bảo cơ sở khoa học bởi lẽ Thủ tướng so với Bộ trưởng thực chất chỉ là người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm cao hơn trong hệ thống hành chính và theo đó mức độ hậu quả của sai phạm nếu có cũng lớn hơn.
Không quy định cơ chế xử lý Thủ tướng phải chăng không đặt ra trường hợp Thủ tướng làm sai, lúc nào cũng đúng?
Xét từ gốc rễ mỗi người đều có lý do để vi phạm luật, điều này xuất phát từ căn nguyên bản chất khiếm khuyết của loài người.
Có thể tin Thủ tướng không cố ý vi phạm nhưng không loại trừ trường hợp vô ý nên vẫn cần cơ chế cảnh tỉnh ngăn ngừa, đề cao trách nhiệm. Quy định thiếu hụt như hiện nay nhân dân không với được tới và không buộc được Thủ tướng chịu trách nhiệm.
Thủ tướng đã đứng ngoài cơ chế tài phán và không có khả năng bị xử lý khi sai phạm, thêm vào đó lại nắm giữ cả quyền hành pháp, lập pháp đây là vị trí giữ quyền hạn lớn nhất trong hệ thống chính trị.
Điều này dẫn đến tình trạng Thủ tướng đã mắc sai lầm nhưng không được ai cảnh báo khiến sự việc xấu xảy ra nhân dân nghi ngờ năng lực của Thủ tướng và thất vọng với cơ chế hoạt động của chính phủ.
Ông Dương Chí Dũng điều hành Vinalines không thể nào tồi tệ hơn nhưng vẫn được Thủ tướng quyết định cho thôi chức chủ tịch Vinalines để được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục hàng hải, việc bổ nhiệm ở thời điểm Thanh tra chính phủ đã có kết luận về sai phạm tại Vinalines.
Sự việc này khiến Thủ tướng mất uy tín và gây ra những thiệt hại khó tính đếm cho đất nước khi lĩnh vực hàng hải được lãnh đạo bởi một người không xứng đáng.

Trách nhiệm Quốc hội

Chính quyền có hiệu năng làm việc cao sẽ khó tránh khỏi xảy ra sự chồng lấn trong hoạt động từ đó đưa đến bất đồng giữa chính quyền các địa phương hoặc chính quyền trên dưới với nhau.
Mặt khác, trong phân cấp tổ chức hệ thống chính quyền, yếu tố dân chủ giúp cho mỗi cấp có được sự độc lập nhất định, theo đó cấp dưới phục tùng cấp trên nhưng nội hàm việc tuân phục phải theo luật, nội dung chỉ đạo của cấp trên phải đúng luật, nếu không cấp dưới không có nghĩa vụ tuân thủ.
Trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, nếu Thủ tướng là chủ thể có thể bị khiếu nại tố cáo hay khởi kiện, rất có thể sẽ có một cán bộ chính phủ dũng cảm, một lãnh đạo ngành hàng hải có trách nhiệm sẽ lên tiếng để cảnh báo về quyết định và sự việc xấu có lẽ đã không xảy ra.
Thực tế có thể kiến nghị tới Thủ tướng nhưng bản thân việc kiến nghị không tạo ra áp lực trách nhiệm, cộng với tính quan liêu trong cách làm việc lâu nay như đã biết thì việc làm này là vô ích.
Trong tương lai sẽ khó tránh khỏi phát sinh những vụ bất đồng giữa chính quyền các cấp hoặc các địa phương hoặc vụ việc liên quan đến Thủ tướng.
Không thừa nhận điều đó hoặc thiếu cơ chế công khai minh bạch để giải quyết sẽ khiến cho mâu thuẫn vẫn tồn tại âm ỉ hoặc được giải quyết theo đường lối chính trị sẽ là điều không tốt cho nhân dân, sai phạm nếu có sẽ không được công khai minh bạch, không truy cứu được trách nhiệm, đặc biệt những nguyên nhân khuyết thiếu của hệ thống sẽ không được nhận ra.
Những sự việc lùm xùm tại Vinalines và Đà Nẵng liên quan đến Thủ tướng hẳn đã đủ tầm mức quan trọng để Quốc hội nhận ra lỗ hổng của luật pháp và nhu cầu bổ khuyết, Quốc hội cần chứng tỏ trách nhiệm bằng việc bổ sung vào Luật khiếu nại, Luật tố cáo và Luật tố tụng hành chính cơ chế giải quyết bất đồng liên quan đến Thủ tướng.
Có như thế luật pháp mới công bằng khoa học và nghiêm minh, tiệm cận tới khung khổ pháp lý của quốc gia pháp quyền.

Nguồn: Lỗ hổng luật pháp

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Liệu pháp luật có bình đẳng giữa quan và dân?

Ngày 8/4, TAND TP Hải Phòng mở phiên xét xử vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" vì đã phá dỡ nhà anh em ông Đoàn Văn Vươn sau vụ cưỡng chế vào ngày 5/1/2012.
5 cựu quan chức trước vành móng ngựa vào sáng 8/4. Ảnh chụp qua màn hình: Hà Anh
5 cựu quan chức trước vành móng ngựa vào sáng 8/4. Ảnh chụp qua màn hình: Hà Anh

Sau 3 ngày bị kết án, một lần nữa ông Đoàn Văn Vươn lại xuất hiện tại Tòa án nhân dân Tp. Hải Phòng, nhưng lần này với tư cách người bị hại.

Các bị cáo là 5 vị cựu quan chức bao gồm 3 quan huyện Tiên Lãng và 2 quan xã Vinh Quang, đứng đầu là ông Lê Văn Hiền, nguyên chủ tịch huyện Tiên Lãng.

Trong số 5 bị cáo, chỉ có ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên phó chủ tịch Tiên Lãng, là bị tạm giam.
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh cũng là người bị Viện kiểm sát Hải Phòng cáo buộc đã ra lệnh và điều máy móc đến phá nhà trông đầm của ông Vươn và ngôi nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý nằm ngoài phạm vi cưỡng chế.

Cáo trạng cũng nêu rõ hoàn cảnh dẫn đến việc phá nhà của anh em ông Vươn là do gia đình ông đã có hành vi chống đối bằng bạo lực.

Sau khi xử hai anh em Vươn và Quý mỗi người 5 năm tù, các bạn dự đoán lần này Tòa Hải Phòng sẽ xử các quan chức như thế nào?


Liệu Pháp luật có bình đẳng giữa quan và dân?